Học hỏi trong dịp Mùa Chay 2023

CẬP NHẬT HÌNH ẢNH BUỔI HỌC GIÁO LÝ MÙA CHAY 2023 DÀNH CHO NGƯỜI LỚN
– Dong I, Giáo họ Trị Sở-Giáo xứ Hòa Lạc
.
.
.
Cha Chính xứ Phaolô Nguyễn Văn Định và cha Phó xứ Phêrô Trần Mạnh Hảo đi thăm lớp Giáo Lý
.
.
.

GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM
TÀI LIỆU HỌC HỎI MÙA CHAY NĂM 2023
HỌC HỎI VỀ PHỤNG VỤ

BAN GIÁO LÝ – GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM
Học hỏi về Phụng vụ

  1. H. Để sống chiều kích “củng cố sự hiệp thông” trong năm mục vụ 2023, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có đề nghị thực hành cụ thể nào?
    T.
    Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề cao việc cử hành Bí tích Thánh Thể và nhấn mạnh rằng: “Bí tích Thánh Thể là nguồn suối hiệp thông. Khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được hiệp thông với Chúa và được liên kết với nhau. Vì thế, các tín hữu cần tham dự thánh lễ cách tích cực và sống động, nhờ đó ngày càng củng cố mối hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa”.

 

  1. H. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có đề nghị nào về đào tạo Phụng vụ?
    T.
    Cần giúp các tín hữu hiểu biết Phụng vụ, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong Tông thư về Đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa, ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2022.

 

  1. H. Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tông thư với mục đích gì?
    T. 
    Với mục đích giúp cho Dân Chúa chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chân lý trong cử hành Kitô giáo; đồng thời, qua việc cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua, cuộc sống của người tín hữu trở nên của lễ đẹp lòng Chúa Cha, trong tình hiệp thông huynh đệ, chia sẻ, hiếu khách, phục vụ và loan báo Tin Mừng.

 

  1. H. Nội dung chính của Tông thư là gì?
    T. 
    Đức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa thần học của Phụng vụ và việc hướng dẫn thực hành đã được trình bày trong các văn kiện của Hội Thánh, nhất là trong Hiến chế về Phụng vụ thánh của Công Đồng Vaticanô II và trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
  2. H. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, Phụng vụ có mối liên hệ thế nào với đời sống của chúng ta?
    T. 
    Phụng vụ là nguồn mạch đầu tiên của sự hiệp thông thần linh, trong đó Thiên Chúa chia sẻ sự sống của chính Người cho chúng ta. Thiên Chúa phải ở vị trí thứ nhất và cầu nguyện là bổn phận đầu tiên của chúng ta.
  3. H. Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo những nguy cơ nào làm biến dạng các cử hành phụng vụ?
    T. 
    Đó là sự hiểu biết hời hợt, sự giản lược về giá trị và “tinh thần thế tục”.
  4. H. Để kín múc tinh thần Kitô giáo đích thực, người tín hữu phải làm gì?
    T. 
    Phải tham dự và cử hành phụng vụ cách trọn vẹn, có ý thức, tích cực và hiệu quả.
  5. H. Phụng vụ là gì?
    T. 
    Phụng vụ là việc Hội Thánh chính thức cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, để thờ phượng Thiên Chúa và thánh hóa con người.

 

  1. H. Phụng vụ có vị trí nào trong Hội Thánh?
    T. 
    Phụng vụ là chóp đỉnh và là nguồn mạch các hoạt động của Hội Thánh, qua đó Đức Kitô tiếp tục công trình cứu độ của Ngài.

 

  1. H. Đức Kitô tiếp tục công trình cứu độ của Ngài trong Hội Thánh thế nào?
    T. 
    Đức Kitô tiếp tục công trình cứu độ của Ngài trong Hội Thánh qua các bí tích được gọi là nhiệm cục bí tích.

 

  1. H. Nhiệm cục bí tích là gì?
    T. 
    Là sự chuyển thông ơn cứu độ của Chúa qua việc Hội Thánh cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.

 

  1. H. Bí tích Thánh Thể là gì?
    T.
    Là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh giá và để ban Mình Máu Ngài, làm của ăn nuôi sống chúng ta.

 

  1. H. Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể khi nào?
    T. 
    Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, trước khi ra đi chịu chết.

 

  1. H. Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể thế nào?
    T. 
    Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén rượu, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ mà nói: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén máu Thầy, máu Giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

 

  1. H. Bí tích Thánh Thể có ý nghĩa gì trong đời sống Kitô giáo?
    T. 
    Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo, chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh là chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta.

 

  1. H. Trong Cựu ước, Bí tích Thánh Thể được báo trước bằng hình ảnh nào?
    T. 
    Trong Cựu ước, Bí tích Thánh Thể được báo trước bằng bữa tiệc Vượt qua mà người Do Thái cử hành hằng năm với bánh không men, để ghi nhớ cuộc giải thoát khỏi Ai Cập.

 

  1. H. Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã làm cho bữa tiệc Vượt qua của người Do Thái nên trọn thế nào?
    T. 
    Trong bữa tiệc Vượt qua của người Do Thái, Chúa Giêsu cử hành cuộc Vượt qua của Ngài bằng cách hiện diện trong bí tích, để trở nên Mình và Máu Ngài làm của ăn thức uống nuôi sống chúng ta và cho chúng ta tham dự vào cuộc Vượt qua của Ngài.

 

  1. H. Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng niệm hy tế của Chúa Giêsu thế nào?
    T. 
    Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh không chỉ nhớ lại mà còn làm cho hiện diện và hiện tại hóa hy tế Thập giá được Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha một lần thay cho tất cả.

 

  1. H. Trong cử hành Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện qua những dấu chỉ nào?
    T. 
    Trong cử hành Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện qua những dấu chỉ này:
    – Một là nơi cộng đoàn phụng vụ;
    – Hai là nơi linh mục chủ tế;
    – Ba là trong Lời của Ngài;
    – Bốn là trong Thánh Thể.

 

  1. H. Bàn thờ có ý nghĩa gì?
    T. 
    Bàn thờ là biểu tượng của chính Đức Kitô, Đấng đang hiện diện như của lễ hiến tế và như lương thực thần thiêng được ban cho chúng ta.

 

  1. H. Trong cử hành Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hoạt động thế nào?
    T. 
    Trong cử hành Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vừa là chủ tế vừa là của lễ, để thờ phượng Chúa Cha và thánh hóa loài người.

 

  1. H. Trong cử hành Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tham dự vào hy tế của Chúa Giêsu thế nào?
    T. 
    Trong cử hành Bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tham dự vào hy tế của Chúa Giêsu khi kết hợp với Ngài mà dâng lên Chúa Cha lời ca ngợi, những hy sinh đau khổ và công lao vất vả của mình.

 

  1. H. Những ai là thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể?
    T. 
    Giám mục và linh mục là những thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể. Các ngài cử hành trong cương vị Đức Kitô là Đầu và nhân danh Hội Thánh.

 

  1. H. Hội Thánh cử hành Bí tích Thánh Thể thế nào?
    T. 
    Hội Thánh cử hành Bí tích Thánh Thể trong Thánh lễ, gồm hai phần chính:
    – Một là Phụng vụ Lời Chúa, khởi đi từ bài đọc thứ nhất cho đến hết lời nguyện chung;
    – Hai là Phụng vụ Thánh Thể, khởi đi từ việc chuẩn bị lễ vật cho đến hết lời nguyện hiệp lễ.

 

  1. H. Trong Phụng vụ Lời Chúa, Hội Thánh cử hành những gì?
    T. 
    Trong Phụng vụ Lời Chúa, Hội Thánh công bố, lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, cùng tuyên xưng đức tin và dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện chung.

 

  1. H. Trong Phụng vụ Thánh Thể, Hội Thánh cử hành những gì?
    T. 
    Trong Phụng vụ Thánh Thể, Hội Thánh cử hành việc tiến dâng bánh rượu, kinh nguyện Thánh Thể và hiệp lễ.

 

  1. H. Vì sao Hội Thánh lại dâng bánh và rượu?
    T. 
    Vì bánh và rượu là hoa màu ruộng đất và công lao của con người.

 

  1. H. Trong Kinh nguyện Thánh Thể, Hội Thánh khẩn cầu những gì?
    T. 
    Trong Kinh nguyện Thánh Thể, Hội Thánh chúc tụng Chúa Cha qua Kinh Tiền Tụng và xin Ngài dùng quyền năng Thánh Thần thánh hóa bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Kitô, đồng thời làm cho những ai rước Mình Máu Chúa Kitô trở nên của lễ sống động đẹp lòng Thiên Chúa.

 

  1. H. Trong Thánh lễ, khi nào bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô?
    T. 
    Trong Thánh lễ, khi linh mục đọc lời truyền phép, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, thì bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô.

 

  1. H. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện thế nào?
    T. 
    Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện thực sự và toàn vẹn dưới hình bánh rượu.

 

  1. H. Việc bẻ bánh có phân chia Đức Kitô không?
    T. 
    Việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô, vì Ngài hiện diện trọn vẹn, dù trong mỗi phần nhỏ của hình bánh rượu.

 

  1. H. Đức Kitô hiện diện bao lâu trong Bí tích Thánh Thể?
    T. 
    Đức Kitô hiện diện bao lâu bánh và rượu đã truyền phép còn tồn tại.

 

  1. H. Hội Thánh dạy thế nào về việc rước lễ?
    T. 
    Hội Thánh khuyên các tín hữu rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ, và buộc rước lễ một năm ít là một lần trong mùa Phục Sinh.

 

  1. H. Phải có điều kiện nào để được rước lễ?
    T. 
    Phải có những điều kiện này:
    – Một là hoàn toàn thuộc về Hội Thánh Công Giáo;
    – Hai là ý thức mình không có tội trọng;
    – Ba là phải giữ chay theo quy định của Hội Thánh;
    – Bốn là có thái độ tôn kính Đức Kitô.

 

  1. H. Việc rước lễ đem lại cho chúng ta những ơn ích nào?
    T.
    Việc rước lễ làm cho chúng ta được kết hợp mật thiết với Đức Kitô và Hội Thánh, được tẩy xóa các tội nhẹ, gia tăng ân sủng và lòng yêu mến tha nhân.

 

  1. H. Vì sao Bí tích Thánh Thể bảo đảm sự sống muôn đời?
    T. 
    Vì Bí tích Thánh Thể đổ tràn trong chúng ta mọi ân sủng và phúc lành của Thiên Chúa, liên kết chúng ta với Đức Kitô và Hội Thánh trên trời.

 

  1. H. Hội Thánh tôn thờ Bí tích Thánh Thể thế nào?
    T. 
    Hội Thánh tôn thờ Bí tích Thánh Thể bằng cách cung kính, thờ lạy, bảo quản cẩn thận bánh thánh đã truyền phép, trao Thánh Thể cho các bệnh nhân, chầu phép lành, rước kiệu và viếng Thánh Thể.

.

Tài liệu biên soạn:

1/ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Chung gửi Cộng đoàn Dân Chúa về Giáo Hội hiệp hành, 07.10.2022.
2/ ĐTC Phanxicô, Tông thư về Đào tạo Phụng vụ cho Dân Thiên Chúa (Desiderio Desideravi), 29.06.2022.
3/ CĐ Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ thánh (Sacrosantum Concilium), 04.12.1963.
4/ HĐGMVN-Ủy ban Giáo lý Đức tin, Bản Hỏi Thưa Giáo lý Hội Thánh Công giáo, NXB Tôn Giáo 2013.

.