LƯỢC SỬ GIÁO XỨ HOÀ LẠC

LTS:

Kính thưa cộng đoàn dân Chúa giáo xứ quê hương Hòa Lạc thân yêu. Thực hiện di nguyện của cha cố Antôn Nguyễn Tâm Tư lúc còn sinh thời. Nhân dịp lễ giỗ tròn 2 năm – ngày cha cố Antôn về với Chúa (30/8/2022 – 30/8/2024). BTT xin được chia sẻ tư liệu, bài viết và những hình ảnh trong thời gian thực hiện cuốn kỷ yếu mừng kỉ niệm 110 năm thành lập giáo xứ Hòa Lạc (1912 – 2022) trên trang thông tin của giáo xứ.

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ HOÀ LẠC

Làng công giáo Hoà Lạc thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình được hình thành cùng với công cuộc khai khẩn đất hoang của Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ để lập ra huyện Kim Sơn vào năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Mạng thứ 10, 1829. Song song với việc khai khẩn, thau chua, rửa mặn, vùng đất mới cũng được dần dần ổn định về nhiều mặt, các họ đạo và xứ đạo mới lần lượt được thiết lập. Vào những năm 1912-1913, họ Hoà Lạc được tách khỏi xứ mẹ Tôn Đạo và cùng với họ Chí Tĩnh tạo thành xứ đạo mới Hoà Lạc.

Giai đoạn hình thành và những cuộc bách hại

Khi lập làng Hoà Lạc vào năm 1829, số đinh trong làng khoảng trên 30, đa số theo đạo công giáo, gốc từ Trà Lũ, Nam Định. Có thể họ Hoà Lạc (lúc bấy giờ thuộc xứ Phúc Nhạc, Vùng Đại Diện Tông Toà Tây Đàng Ngoài) cũng được thành lập không lâu sau thời điểm này. Năm 1842, họ Hoà Lạc được chia về giáo xứ mới thành lập là giáo xứ Tôn Đạo.

Thời điểm này cũng là giai đoạn các vua nhà Nguyễn bách hại đạo. Ngôi nhà thờ họ Hoà Lạc và các sinh hoạt trong giáo họ có lẽ còn khá sơ sài và đơn giản. Trong giai đoạn bách hại dữ dội, mọi sinh hoạt của giáo họ cũng như giáo xứ hẳn còn rất khó khăn. Cuốn Le Tonkin catholique et Monseigneur Retord Lieu 1831- 1858 cho biết khoảng năm 1848, dân làng đã đút lót cho quan huyện để mời cha tới làm phép làng. Quan huyện nhận quà, nhưng sau đó quan quân vẫn tới vây làng công giáo Hoà Lạc để tìm cách bắt vị linh mục đang hiện diện trong làng. Vụ việc này đã gây ra xung đột giữa quan quân với dân làng, dẫn tới  việc  một số người trong làng bị đi đày, bị tán gia bại sản[1].

Cũng sự việc này được Đức ông Vinhsơn Trần Ngọc Thụ thuật lại như sau:

Năm 1847, Hoà Lạc bị dịch tả, đã rước Cha Cần về làm Lễ Bằng Yên và làm phép làng. Quan huyện Kim Sơn đã đồng ý cho phép, nhưng làng không xin phép Phó tổng Trí, là người bên lương ở làng Như Độ. Ông Trí phản ứng và xuyên tạc rằng: ở Hoà Lạc có cố Tây đang ở, nên xin quan cho lính về bắt. Một nhóm dân làng tổ chức kháng cự bằng võ lực, để cho cha xứ có thời giờ tẩu thoát. Lệnh từ tỉnh đưa về, là đòi bắt mấy ông kỳ mục trong làng: ông cai Khoa, ông khán Khuyên, ông binh Đĩnh, ông khán Hiếu, ông cai Năng, và giải về tỉnh Ninh Bình.

Ông cai Năng, thật sự không tham gia, đứng ra chịu tội để cho yên câu chuyện. Nhưng rồi bị xử trảm quyết chôn tại Hoà Lạc, còn mấy ông kia bị giam, nhưng sau được tha về, cha chính xứ Thức cũng bị bao vây, tuy nhiên giáo dân chỉ đường cho ngài trốn thoát được.[2]

Những giai thoại còn truyền tụng nơi một số gia tộc trong giáo xứ vẫn thường nhắc tới những thành viên của giáo xứ bị đi đày, có người bị chết và bỏ xác nơi viễn xứ trong giai đoạn bách hại đạo này.

Giai đoạn kiến lập

Cùng với sự phát triển của Hội Thánh tại Việt Nam, cách riêng là với Vùng Đại Diện Tây Đàng Ngoài, hạt giống đức tin nơi vùng đất ven biển không ngừng lớn mạnh và trổ sinh những hoa thơm trái ngọt.

Vùng Đại Diện Bắc Kỳ Duyên Hải được thành lập năm 1901. Theo cha Luca Trần Hùng Sỹ, năm 1912, Đức Cha Alexandre Marcou Thành đã tách hai họ đạo Chí Tĩnh và Hoà Lạc khỏi xứ Tôn Đạo để lập xứ Hoà Lạc. Thiết tưởng cũng nên nhắc tới ở đây những thông tin của Đức ông Vinhsơn Trần Ngọc Thụ:

Đời Vua Duy Tân năm thứ bảy (1913), Đức Cha già Marcou Thành lấy 4 họ mạn Tây xứ Tôn Đạo, tức là của các họ Hoà Lạc, Chí Tĩnh, Phố Hậu, Thái Hoà để thành lập một xứ riêng: Hoà Lạc.[3]

Cũng theo nguồn thông tin này, khi được thành lập, xứ Hoà Lạc bao gồm cả họ Phú Hậu. Họ Chí Tĩnh lúc đó còn bao gồm cả Chí Tĩnh thượng. Năm 1917, họ Chí Tĩnh được chia đôi, họ Chí Tĩnh thượng thuộc về xứ Tôn Đạo[4]. Về giai đoạn lập xứ, Đức ông Thụ còn ghi chép như sau:

Năm 1912, Cha già Vinh chuẩn bị làm nhà thờ Hoà Lạc mới, vì nhà thờ cũ quá nhỏ hẹp. Khi lập xứ, số giáo dân được 1669 người, tới sau lên 1784 nhân danh. Lòng đạo đức về sau (khi Đức Cha Thành đã nhận địa phận mới rồi) tấn tới rất nhiều về việc xưng tội, rước lễ…[5]

Cha Luca Trần Hùng Sỹ cung cấp một số chi tiết về ngôi nhà thờ được xây dựng năm 1912:

Nhà thờ này làm bằng gỗ, nhỏ như nhà thờ xứ Dục Đức hiện nay. Cuối nhà thờ cũng xây mặt tiền, kiểu như nhà thờ xứ Dục Đức. Hai bên làm cửa bằng gỗ tạp, năm 1930, tôi đã thấy cũ kỹ và mọt ăn nhiều.[6]

Cha Phêrô Đỗ Đình Vinh

Khi lập xứ Hoà Lạc, cha Phêrô Đỗ Đình Vinh vốn đang làm phó xứ Tôn Đạo, được bổ nhiệm làm cha xứ tiên khởi. Cha Phêrô Vinh đã mở mang giáo xứ, thành lập họ Thái Hoà, lập nhà giáo ở Như Độ và Tuần Lễ, xây nhà xứ, xây nhà thờ Chí Tĩnh và Thái Hoà. Cha Phêrô Trần Đức Tuân kế vị cha Phêrô Vinh làm cha xứ từ năm 1932 đến 1937. Thống kê năm 1939 cho biết giáo xứ Hoà Lạc gồm cha xứ (cha Phêrô Đỗ Xuân Thính), cha phó (cha Phanxicô Xaviê Ngọ), với 5 họ đạo (có lẽ tính cả hai nhà giáo Như Độ và Tuần Lễ) và 2130 giáo dân.

Cha Phêrô Đỗ Xuân Thính

Năm 1938, cha Phêrô Thính đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới theo kiểu Tây phương. Ngôi nhà thờ được hoàn tất năm 1939. Đây cũng là giai đoạn có nhiều biến động trong lịch sử đất nước. Xứ đạo Hòa Lạc cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng. Năm 1948, cha Bênađô Nguyễn Quang Nhung được bổ nhiệm làm cha xứ thay cha Phêrô Thính. Những năm sau đó cho đến năm 1954, việc thuyên chuyển các cha xứ tại Hòa Lạc diễn ra khá thường xuyên: cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Minh, 1949-1950; cha Phêrô Đoàn Độc Thư, 1950-1952; cha Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Hương, 1952-1954.

Năm 1954, cha Gioan Hương đưa đông đảo giáo dân trong xứ di cư vào Miền Nam, rất nhiều người cùng với cha Gioan Hương tới định cư tại Phương Lâm. Sau giai đoạn này, cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến (được tấn phong Giám mục năm 1977) coi xứ Hướng Đạo, kiêm Hoà Lạc trong thời gian dài, từ 1954-1981.

Cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến và giáo dân tại Ứng Luật

Giai đoạn củng cố và phát triển

Sau khi Đức cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến qua đời vào năm 1981, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo phải kiêm nhiệm cả xứ Hoà Lạc. Đức cha đã uỷ quyền cho cha Phêrô Nguyễn Quang Phúc tới dâng lễ hằng tuần ở Hoà Lạc. Trong thời gian này, cha Phêrô Phúc đã trùng tu nhà thờ, đặc biệt sửa lại trần nhà thờ đã bị hư hại nặng. Sau đó, cha Phêrô Phúc bị quản chế. Năm 1988, cha Giuse Trần Văn Khoa chịu chức âm thầm và được Đức cha Phaolô uỷ thác lo việc mục vụ tại Hoà Lạc và các xứ lân cận.

Cuối những năm 1980, rất nhiều mầm ơn gọi tu trì nảy nở trong giáo xứ. Các hội đoàn cũng bắt đầu được tổ chức và sinh hoạt khởi sắc hơn. Sinh hoạt trong giáo xứ ngày càng sống động. Các họ đạo Xuân Hoà và Chí Hoà cũng dần dần được hình thành.

Sau khi được tấn phong làm Giám mục phó Phát Diệm vào năm 1988, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến đã đến dâng lễ hằng tuần tại Hoà Lạc cho đến năm 1996. Từ năm 1996, cha Gioan Baotixita Bùi Văn Kế kiêm nhiệm nhiều xứ trong vùng, trong đó có Hoà Lạc. Trong thời gian Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến và cha Gioan Kế kiêm nhiệm, một số công trình như nhà xứ, ao hồ được tu sửa, một số công trình như nhà giáo lý, tượng Chúa Giêsu Kitô làm vua được xây mới.

Năm 2004, cha Gioan Baotixita được đặt làm chính xứ Hoà Lạc. Sau cha Gioan, giáo xứ còn được cha Phêrô Trần Quang Đức và cha Antôn Vũ Đức Phượng coi sóc trong vai trò chính xứ. Nhà thờ họ Thái Hoà được xây dựng lại, khuôn viên giáo họ được mở mang rộng rãi. Tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ, một số tượng đài cũng được làm mới.

Năm 2013, cha Antôn Nguyễn Tâm Tư được đặt làm chính xứ Hoà Lạc. Cha xúc tiến việc khảo sát, tham khảo ý kiến để xây dựng lại nhà thờ giáo xứ. Ngày 4-7-2014, công việc phạt mộc cho ngôi nhà thờ mới bằng gỗ theo kiểu Á Đông được bắt đầu. Cha Antôn cũng lo lắng quy hoạch và mở rộng khuôn viên giáo xứ. Ngôi nhà thờ mới khang trang được long trọng khánh thành vào ngày 17-10-2019.

Như vậy, từ khi hình thành một ngôi làng Công giáo nhỏ bé, năm 1829, đến khi khánh thành ngôi nhà thờ hiện nay, làng Công giáo Hoà Lạc đã trải qua gần 200 năm tồn tại, giáo xứ Hoà Lạc đã được thành lập 110 năm, với biết bao thăng trầm lịch sử. Vượt lên trên mọi biến động lịch sử là bàn tay dẫn dắt diệu kỳ của Thiên Chúa để xứ Hoà Lạc luôn là nơi hạt giống Tin Mừng được vun trồng và lớn lên trong an bình và hân hoan của một miền quê trù phú.

[1] X. Adrien Launay, Le Tonkin catholique et Monseigneur Retord Lieu 1831- 1858 (Lyon 1893), tr. 293-294.

[2] Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, Lịch sử giáo phận Phát Diệm (1901-2001) (Phát Diệm 2021), tr. 292.

[3] Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, sđd, tr. 291.

[4] X. Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, sđd, tr. 291.

[5] Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, sđd, tr. 292.

[6] Luca Trần Hùng Sỹ, “Lược sử Giáo xứ Hoà Lạc” (tài liệu lưu trữ riêng).